Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Thách thức với ông Tập trước các cựu binh bất mãn

Những cuộc tụ tập của các cựu binh đòi quyền lợi có thể cản trở tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu của ông Tập. 

Ông Tập mặc quân phục dã chiến trên một tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLA.
Ông Tập mặc quân phục dã chiến trên một tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLA.
Trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuất hiện trong bộ trang phục dã chiến của quân đội, duyệt đội hình binh sĩ, ca ngợi sự cống hiến của họ và coi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) như một chìa khóa để Trung Quốc vươn lên thành cường quốc toàn cầu.
Nhưng những lời ca ngợi đó dường như không thuyết phục được rất nhiều trong số 57 triệu cựu binh ở nước này, những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau và phải cùng nhau kéo xuống đường để đòi hỏi mức hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống sau khi rời quân ngũ. Những cuộc tụ tập quy mô lớn của các cựu binh ở nhiều tỉnh thành đang trở thành một thách thức chính trị với ông Tập, người luôn coi quân đội là một phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng hình ảnh của mình, theo AP.
Cuối tuần trước, hơn 1.000 cựu binh cùng nhiều người dân địa phương kéo tới trước trụ sở chính quyền thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Trong suốt 4 ngày, họ chiếm giữ một con phố và trung tâm mua sắm, hô vang khẩu hiệu đòi các quan chức trả lời về việc một đồng đội của họ bị đám côn đồ được cho là do chính quyền thuê đánh đập sau khi ông này khiếu nại đòi quyền lợi.
"Hàng ngày các cựu binh nghe những lời tuyên truyền rằng Trung Quốc giờ đây là một quốc gia giàu có, hùng mạnh và tôn trọng quân đội, nhưng chính họ lại đang phải chiến đấu vì cuộc sống mưu sinh, điều đó khiến họ tức giận", Neil Diamant, giáo sư tại Đại học Dickinson và là một chuyên gia về cựu binh Trung Quốc, chia sẻ.
Cảnh sát Trấn Giang hôm chủ nhật đã huy động lực lượng giải tán các cựu binh tụ tập trên con phố. Nhưng cảnh tượng cảnh sát vũ trang và xe thiết giáp xếp hàng trên các con phố ở Trấn Giang đã khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa chính quyền và các cựu binh bất mãn.
"Việc cảnh sát dùng vũ lực để giải tán cuộc tụ tập của các cựu binh là bất hợp pháp", Li Xiao, một cựu lính pháo binh 63 tuổi, người đã lái xe hơn 200 km đến Trấn Giang để ủng hộ các đồng đội, tuyên bố. "Lịch sử sẽ phán xét".
Cựu binh tụ tập tại một công viên ở Trấn Giang hôm 22/6. Ảnh: AFP.
Cựu binh tụ tập tại một công viên ở Trấn Giang hôm 22/6. Ảnh: AFP.
Các cựu binh Trung Quốc đã khiếu nại suốt nhiều thập kỷ để đòi được hưởng trợ cấp, chăm sóc y tế và việc làm tốt hơn sau khi xuất ngũ, nhưng việc thiếu khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi và chính sách trao quyền cho địa phương giải quyết vấn đề cựu binh của Bắc Kinh đã khiến nhiều người trong số họ sống lay lắt dưới đáy xã hội suốt thời gian dài, theo SCMP.
Thực tế này đã khiến ông Tập cam kết sẽ "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân và gia đình, biến binh nghiệp thành một nghề đáng tự hào" khi phát biểu tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm ngoái. Lời hứa này được coi là một phần trong mục tiêu tham vọng của ông Tập là hoàn tất hiện đại hóa PLA vào năm 2035 và biến nó thành đội quân đẳng cấp thế giới vào năm 2050.
Với những cựu binh như Sun Xingan, 61 tuổi, khoảng cách từ lời hứa đến hành động vốn dĩ rất xa. "Chúng tôi đã quá nhiều lần thất vọng với chính phủ. Kinh nghiệm cho thấy chúng tôi nên chờ đợi xem cam kết đó có được biến thành chính sách thực tế hay không".
Sun bắt đầu đi khiếu kiện từ năm 2000, sau khi doanh nghiệp nhà nước nơi ông làm việc ở Thanh Đảo bị đóng cửa, khiến ông phải sống dựa vào khoản trợ cấp cơ bản 1.700 tệ (255 USD) mỗi tháng.
Đồng đội của ông là Cai Wenxue, một cựu sĩ quan không quân, cho biết ông bắt đầu đi làm cho một doanh nghiệp nhà nước ở Yên Đài, Sơn Đông sau khi xuất ngũ năm 1994. Nhưng chỉ vài năm sau, ông bị sa thải vì sức khỏe yếu và bị mất hết trợ cấp. Cựu binh 65 tuổi này giờ đây phải sống nhờ vào tiền chu cấp của vợ và làm những việc lặt vặt để đắp đổi qua ngày.
Đến tháng 3, ông Tập yêu cầu thành lập Bộ Các vấn đề Cựu binh để giải quyết những bức xúc từ lâu, nhưng các quân nhân xuất ngũ trong những tháng gần đây dần trở nên giận dữ khi chứng kiến không có gì thay đổi về căn bản. Điều khiến họ bức xúc hơn là trung ương đã ra lệnh cho chính quyền các tỉnh, thành phố tăng hỗ trợ cho cựu binh, nhưng không phân bổ thêm ngân sách, Diamant cho biết.
"Chúng tôi mừng khi Bộ Các vấn đề Cựu binh được thành lập, đó là ước nguyện cả đời của chúng tôi", Li nói. "Nhưng vì sự lười nhác, bất tài, họ đã không đưa ra bất cứ điều luật hay chính sách cụ thể nào cho chúng tôi".
Hai cựu binh giấu tên tham gia cuộc biểu tình ở Trấn Giang cho biết họ phải giải tán sau khi cảnh sát tiến vào con phố lúc rạng sáng, bắt giữ nhiều người và nhốt họ vào các lớp học gần đó, cho đến khi nhà chức trách các phường nơi họ có hộ khẩu đến tiếp nhận. Đến ngày 26/6, tình hình trên các con phố ở trung tâm Trấn Giang đã trở lại bình thường.
Thách thức ngày càng lớn
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng các sự kiện tương tự không lặp lại. Cựu binh trên khắp Trung Quốc đã tụ tập ít nhất hai lần trong vài tháng qua, sau khi được tin đồng đội của họ bị côn đồ hành hung khi đi khiếu kiện.
Thách thức này nhiều khả năng sẽ lớn hơn sau khi ông Tập tuyên bố sẽ giảm quy mô quân đội và sa thải cùng lúc 300.000 quân nhân nhằm hướng tới xây dựng lực lượng quân sự tinh gọn hơn để phát huy sức mạnh ra toàn cầu.
Hàng nghìn cựu binh tụ tập trước trụ sở Quân ủy Trung ương ở Bắc Kinh tháng 10/2016. Ảnh: AP.
Hàng nghìn cựu binh tụ tập trước trụ sở Quân ủy Trung ương ở Bắc Kinh tháng 10/2016. Ảnh: AP.
Yue Gang, một đại tá nghỉ hưu và hiện là bình luận viên quân sự, cho biết nhiều cựu binh có bản năng cố hữu là tập hợp rất chóng vánh khi cảm thấy đồng đội của mình bị ngược đãi. "Khi xuất ngũ, họ có rất nhiều hoài bão, nhưng nhanh chóng bị cuộc đời dội gáo nước lạnh vào đầu", Yue nói.
Những cựu binh mang trong mình cảm giác "bị phản bội" này có thể trở nên kích động nếu cảnh sát và chính quyền áp dụng biện pháp mạnh tay để giải tán các cuộc tụ tập của họ. "Họ đều rất yêu nước, trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc và ngưỡng mộ ông Tập, nhưng mang lòng bất mãn sâu sắc với các quan chức địa phương tham nhũng", Yue cho biết.
Hình ảnh những người cựu binh kéo xuống đường hô khẩu hiệu phản đối này trái ngược với lời cam kết của ông Tập rằng đất nước Trung Quốc thịnh vượng sẽ đem lại điều tốt đẹp cho tất cả mọi người.
"Ngày nay, chúng ta đang tiến tới mục tiêu hồi sinh đất nước Trung Quốc gần hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử và chúng ta cần phải xây dựng quân đội mạnh hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử", ông Tập tuyên bố hồi tháng 8/2017.
Nhưng để xây dựng một quân đội hùng mạnh theo kiểu phương Tây, việc tái cấu trúc lực lượng vũ trang là chưa đủ, Trung Quốc còn phải chăm lo cho những nhu cầu chính đáng của hàng triệu cựu binh.
"Thách thức mà PLA đang đối mặt không chỉ là trợ cấp hay chăm sóc y tế. Hầu hết binh sĩ Trung Quốc sống trong nhà công vụ suốt thời gian tại ngũ, họ cần một ngôi nhà như vậy sau khi xuất ngũ", Richard Bitzinger, chuyên gia quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói.
Với những cựu binh như Li, người 20 năm trước vẫn tin rằng chính phủ sẽ chăm sóc cho ông đến tận cuối đời, đất nước Trung Quốc hiện đại có thể trở thành nơi ông cảm thấy cô đơn nhất. "Tôi từng cho rằng khi quốc gia trở nên hùng mạnh và thịnh vượng, người dân sẽ sống và làm việc trong yên bình", ông nói. "Nhưng đó không phải là sự thật".

Muôn kiểu xem World Cup của dân công nghệ

Mở cả laptop và TV, cài ứng dụng lên ôtô hay tự chế ăng-ten... là cách mà những người mê công nghệ áp dụng để xem bóng đá.

Đặc thù công việc phải đi làm đêm nên anh Trần Khải (Hà Đông, Hà Nội) ít có thời gian xem các trận đấu World Cup năm nay. Anh chọn niềm vui cho mình bằng cách cài ứng dụng OTT lên đầu Android của ôtô để tranh thủ theo dõi trên quãng đường di chuyển gần một giờ đồng hồ. "Tôi mở lên để nghe là chủ yếu chứ xem trong lúc lái xe sẽ rất nguy hiểm", anh Khải chia sẻ. "Mở bằng 4G tốc độ cao nên ngay cả khi di chuyển nhưng vẫn khá mượt".
Từ loạt trận thứ ba vòng bảng World Cup (bắt đầu ngày 25/6), mỗi ngày sẽ có hai trận đấu cùng giờ ở hai bảng. Vì thế, không ít người đã sử dụng hai thiết bị khác nhau để có thể theo dõi đồng thời diễn biến của cả hai trận đấu. Một trong những lựa chọn cho tình huống này là mở cả TV và máy tính để xem. Ảnh: Phan Quang Vương.
Trong khi đó, các bạn sinh viên lại dùng máy tính và smartphone để xem hai trận vì đây là thiết bị mà đa số đều sở hữu. "Khu trọ chia nhau gói cước Internet dùng chung nên buổi tối em xem hay bị giật, nhất là khi xem cùng lúc bằng cả điện thoại với laptop, mà phòng nào cũng mở bóng đá", Đức Bình, sinh viên năm nhất Đại học Hà Nội, cho biết.
Ngay cả khi không có hai thiết bị, việc theo dõi cùng lúc hai trận đấu trên máy tính cũng tương đối dễ dàng. Người dùng chỉ cần mở hai cửa sổ trình duyệt là có thể xem được, song sẽ phải chọn nghe âm thanh từ một trong hai trận hoặc tiếng bình luận trộn vào nhau. Ảnh: Nguyễn Văn Đạt.
Hồ Thanh (TP HCM) đăng trên một nhóm Facebook chuyên về công nghệ cách xem hai trận đấu độc đáo của mình. Chiếc Galaxy S7 edge có thể mở song song hai ứng dụng cùng lúc, giúp chủ sở hữu không bỏ lỡ trận đấu cùng giờ. "Dùng Android bao lâu, nay mới tính năng này thực sự hữu dũng", thành viên Minh Đức bình luận. "Lần này thì chia buồn với các bạn dùng iPhone".
Chiếc TV "để mốc" bao ngày và mãi đến mùa World Cup mới được anh Duy Khải (Lâm Đồng) bật lên. Anh quyết định mua thêm ăng-ten để xem bóng đá dịp này do chất lượng phủ sóng DVB-T2 tại khu vực đang sống khá tốt, hình ảnh rõ nét. Một số người xem World Cup năm nay gặp vấn đề với truyền hình Internet cũng đã quay lại với ăng-ten.
Ngoài việc mua các thiết bị có sẵn, những người thích mày mò còn tự chế ăng-ten để thu sóng truyền hình. "Ngày xưa bố tôi dùng chiếc vành xe đạp hỏng, treo lên mái nhà để xem TV. Bây giờ truyền hình số mặt đất phủ sóng mạnh nên chỉ cần chế ăng-ten từ cái móc áo, lon bia rồi để góc cửa sổ là cũng bắt được", anh Minh Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ. Ảnh: Vchannel.
Nhiều trận World Cup năm nay chiếu vào nửa đêm nên một số người đã dùng tai nghe khi thưởng thức để hạn chế ảnh hưởng tới người thân. "Nhà mình có con thơ nên xem bóng đá 'khổ' lắm", Văn Quyền (Hà Đông, Hà Nội), tâm sự. "Đeo tai nghe rồi nhưng nhiều khi phấn khích quá lại hét ầm lên, vợ tỉnh giấc nên mình 'ăn' mắng, con khóc nên phải vừa dỗ vừa xem tiếp".

Sao khiêu dâm Nga gây chú ý khi tái xuất trong trận gặp Uruguay

"Quả bom sex" Natalya Nemchinova thu hút các ống kính khi xuất hiện trên khán đài để cổ vũ đội chủ nhà Nga trong trận đấu với Uruguay. 

Natalya Nemchinova trên khán đài cổ vũ cho đội tuyển Nga ở sân vận động Samara hôm qua
Natalya Nemchinova trên khán đài cổ vũ cho đội tuyển Nga ở sân vận động Samara hôm qua. Ảnh: AFP
Nemchinova được nhìn thấy giữa rừng cổ động viên của Nga ở sân vận động Samara hôm qua, theo Sun. Cô mặc áo dây màu trắng có tên đội tuyển cùng chiếc quần màu đỏ cũn cỡn, bó sát người và đội chiếc mũ truyền thống của Nga.
Khi thấy các ống kính hướng về mình, Nemchinova tươi cười và vẫy lá cờ Nga trước khi trận đấu bắt đầu. 
Người đẹp tóc vàng được ca ngợi là "nữ cổ động viên quyến rũ nhất World Cup" và xuất hiện trên khắp các trang báo trong nước lẫn quốc tế. Nemchinova từng giành vương miện Hoa hậu Moskva vào năm 2007.
Năm 2016, cô bắt đầu tham gia đóng phim khiêu dâm dưới nhiều nghệ danh khác nhau. Các trang web người lớn mô tả cô là một "hình mẫu phóng khoáng" và là ngôi sao của các bữa tiệc.
Nemchinova 
Nemchinova gây chú ý với ngoại hình nóng bỏng trên khán đài. Ảnh: Reuters
Nemchinova chứng tỏ mình là một fan bóng đá khi từng sang Pháp cổ vũ cho Nga trong vòng chung kết Euro 2016. Trong hai trận ra quân thắng lợi của nước chủ nhà tại World Cup năm nay, ngôi sao quyến rũ này cũng có mặt.
Tuy nhiên, sự xuất hiện hôm qua của cô - người được xem là nữ thần may mắn - đã không đủ để giúp tuyển Nga một lần nữa chiến thắng. Trận đấu kết thúc với tỷ số 3-0 nghiêng về Uruguay.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Người Sài Gòn thứ ba tử vong do cúm A/H1N1

Người đàn ông 46 tuổi ngụ quận Bình Tân, nhiễm cúm A/H1N1 điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình xin về ngày 24/6 đã tử vong.

Ngày 26/6, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân này có cơ địa béo phì nên bệnh diễn tiến nặng. Trước đó bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, diễn tiến nặng nên nhập viện cấp cứu trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy. Ngày 24/6 tình trạng bệnh nặng nên gia đình xin về và không thể qua khỏi.
Tuần trước bệnh viện cũng có một bệnh nhân tử vong vì viêm phổi, suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm cúm A/H1N1. Trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 đầu tiên tại TP HCM là một phụ nữ 26 tuổi ngụ quận Thủ Đức, thể trạng béo phì.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khoa đang điều trị cho 7 bệnh nhân cúm A/H1N1, trong đó có 3 trường hợp phải thở máy. Những bệnh nhân này vốn đang mắc các bệnh nền nghiêm trọng, khiến cúm diễn tiến nặng hơn.
Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: L.P
Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: L.P
Đây là những người bị lây nhiễm H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 11/6. Ổ dịch này được xác định 12 người dương tính virus cúm A/H1N1, hàng chục người khác nghi ngờ bệnh nhưng nhẹ và dễ dàng qua khỏi. 
"Ngày 11/6 xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên, đến ngày 20/6 không còn bệnh nhân mắc mới, bệnh viện hy vọng khống chế được dịch trong thời gian ngắn, không cho lây lan", bác sĩ Hùng cho biết. Từ khi phát hiện những bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập ban chỉ đạo chống cúm để ngăn chặn dịch bùng phát.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... nên chích ngừa cúm định kỳ hàng năm.Cúm A/H1N1 hiện được xem là cúm mùa thông thường. Đối với người khỏe mạnh, độc lực của virus H1N1 không cao. Với bệnh nhân mạn tính, người suy giảm miễn dịch nhiễm virus sẽ làm thúc đẩy bệnh nền, gây tổn thương phổi, tổn thương đa tạng, khả năng biến chứng nặng nề.
Để phòng cúm, nên hạn chế tập trung chỗ đông người, đặc biệt nơi có người mắc cúm, nghi ngờ cúm. Trong trường hợp tiếp xúc người bệnh, phải giữ khoảng cách an toàn khoảng 1,3 m. Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phải đeo khẩu trang. Rửa tay thường xuyên với xà phòng, thuốc sát khuẩn nhanh. Nên súc họng, vệ sinh hầu họng thường xuyên. 

Thủ tướng đánh giá cao chiến lược phát triển công nghệ cao của Viettel

Lãnh đạo Chính phủ nhận định, Viettel đang bứt phá khi chủ động chuyển hướng sang nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao.

Báo cáo trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 26/6, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết, ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, Viettel đang chủ động phát triển nhiều ngành nghề mới là công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp vũ khí công nghệ cao và công nghiệp an ninh mạng. 
Theo đại diện doanh nghiệp, mỗi năm, Tập đoàn chi ngân sách 4.000 - 4.500 tỷ đồng cho nghiên cứu phát triển. Hiện, Viettel có một cơ sở nghiên cứu rộng 60ha ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc; hai công ty sản xuất, lắp ráp, tích hợp điện tử và cơ khí; hai trung tâm về không gian mạng và an ninh mạng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Viettel.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Viettel.
Trong chuyến thăm lần thứ hai trong vòng hai năm đến Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những kết quả ấn tượng mà nhà mạng này đạt được, nhất là lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Ông đánh giá, Viettel đã thực sự đóng vai trò dẫn dắt trong ngành viễn thông - công nghệ thông tin của Việt Nam - một ngành vốn năng động và rất quan trọng đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Tập đoàn này còn hợp tác với hàng trăm đối tác nước ngoài và mở 7 văn phòng đại diện, công ty nghiên cứu phát triển tại các nước lớn như Mỹ, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn trong việc đầu tư ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu Việt Nam, giúp thắt chặt quan hệ ngoại giao kinh tế với nhiều quốc gia ở các châu lục và bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất.
Thủ tướng khẳng định, những kết quả của Viettel cho thấy nếu có mục tiêu cao, khát vọng quốc gia và cơ chế tốt cùng đội ngũ cán bộ tốt, được đặt trong môi trường cạnh tranh toàn cầu thì sẽ thành công.
"Chúng ta muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì phải phát triển công nghệ", Thủ tướng khẳng định và nói thêm, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội cho Việt Nam và Viettel đi đầu trong công cuộc này.
Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Tâp đoàn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong ngành công nghệ thông tin, duy trì là tập đoàn có sức cạnh tranh nhất, tập trung sản xuất thành công các dự án, chương trình quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cho quân đội ngày một mạnh hơn; xây dựng và phát triển Viettel thành tập đoàn nổi tiếng trong khu vực, bảo vệ thương hiệu cũng như tài sản quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Viettel.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đạt được trong thời gian qua.
Theo lãnh đạo Tập đoàn, chiến lược đầu tư vào công nghệ cao được đưa ra từ năm 2011. Doanh nghiệp cho biết nghiên cứu thành công, tự sản xuất và đưa vào sử dụng các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông, tổng đài tính cước, hệ thống tin nhắn, trạm phát sóng BTS công nghệ 4G... ở trong nước và mở rộng ra các thị trường nước ngoài đang khai thác kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhà mạng cũng tham gia vào nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Chính phủ như xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, các dự án một cửa, tin học hóa ngành y tế, giáo dục. Chính sách tập trung đầu tư phát triển đã góp 12.000 tỷ đồng vào doanh thu của Tập đoàn trong năm 2017.
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Đại diện hãng cho hay, thương hiệu Viettel đã hiện diện ở 10 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ với 35 triệu thuê bao.
"Trong lĩnh vực viễn thông, Viettel là nhà mạng lớn nhất Việt Nam với 65 triệu thuê bao, chiếm 52% thị phần và 5,8 triệu thuê bao Internet cáp quang. Mạng lưới viễn thông của hãng được đánh giá lớn nhất Việt Nam với 360.000 km cáp quang, 40.000 vị trí trạm phát sóng, phủ 97% dân số", đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh. Hiện Viettel cũng là một trong 15 doanh nghiệp viễn thông có lượng khách hàng lớn nhất thế giới với 100 triệu khách hàng.
Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội được đánh giá là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả, thể hiện qua 3 chỉ số: lợi nhuận lớn nhất, nộp ngân sách lớn nhất và thương hiệu giá trị nhất. Theo đó, doanh thu năm 2017 là 252.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng đạt 44.100 tỷ đồng. Năm 2017, doanh nghiệp nộp ngân sách 41.100 tỷ đồng. Theo công bố của Brand Finance, Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2017 với mức định giá là 2,569 tỷ USD.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel đặt mục tiêu sau 2 năm nữa trở thành một tập đoàn công nghiệp - công nghệ cao - viễn thông toàn cầu với tăng trưởng từ 10 đến 15% mỗi năm, đạt doanh thu 150.000 đến 400.000 tỷ đồng, tương đương một phần ba thu ngân sách cả nước, lợi nhuận trước thuế 50.0000 đến 55.000 tỷ đồng và vào Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Hơn 440.000 thí sinh thi bài cuối cùng THPT quốc gia

Khoa học xã hội là bài thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia có hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Sáng 27/6, 444.530 thí sinh bước vào buổi thi THPT quốc gia cuối cùng, với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, gồm các môn thành phần là Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Đây là năm thứ hai, môn Giáo dục công dân xuất hiện trong một kỳ thi quan trọng, vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển đại học.
Hình thức làm bài của tổ hợp Khoa học xã hội là trắc nghiệm khách quan. Ở mùa thi năm trước, các sĩ tử đã rất hào hứng với cách thi này vì không còn phải viết những bài dài nêu nhiều dữ liệu, sự kiện lịch sử. Thay vào đó, các em chỉ cần nắm chắc kiến thức và tập trung suy luận để lựa chọn đáp án chính xác. Môn Giáo dục công dân với nhiều câu hỏi về pháp luật, tình huống thực tế cũng khiến thí sinh cảm thấy thích thú.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 ở cụm thi TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 ở cụm thi TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề tổ hợp Khoa học xã hội 2018 sẽ tập trung nội dung kiến thức ở chương trình lớp 12 và khoảng 20% trong chương trình lớp 11. Cấu trúc đề gồm 60% kiến thức cơ bản phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và 40% kiến thức nâng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi được phân làm 4 cấp độ: dễ, trung bình, khó và rất khó, sắp xếp tuần tự từ trên xuống dưới.
Qua hai ngày thi Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ, phần lớn thí sinh cho rằng đề năm nay khó hơn năm trước. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trong lần trả lời VnExpress đã khẳng định sẽ khó khăn để kiếm điểm 9-10 với đề thi THPT quốc gia 2018.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước có 925.790 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 60.000 so với năm trước. Trong đó, có hơn 872.000 học sinh đang học lớp 12 và 53.780 thí sinh tự do. Số thí sinh đăng ký chỉ để xét công nhận tốt nghiệp là 237.320; thí sinh thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học là 642.370.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài, trong đó 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp.
Quỳnh Trang