Những cuộc tụ tập của các cựu binh đòi quyền lợi có thể cản trở tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu của ông Tập.
Ông Tập mặc quân phục dã chiến trên một tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLA.
|
Trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuất hiện trong bộ trang phục dã chiến của quân đội, duyệt đội hình binh sĩ, ca ngợi sự cống hiến của họ và coi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) như một chìa khóa để Trung Quốc vươn lên thành cường quốc toàn cầu.
Nhưng những lời ca ngợi đó dường như không thuyết phục được rất nhiều trong số 57 triệu cựu binh ở nước này, những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau và phải cùng nhau kéo xuống đường để đòi hỏi mức hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống sau khi rời quân ngũ. Những cuộc tụ tập quy mô lớn của các cựu binh ở nhiều tỉnh thành đang trở thành một thách thức chính trị với ông Tập, người luôn coi quân đội là một phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng hình ảnh của mình, theo AP.
Cuối tuần trước, hơn 1.000 cựu binh cùng nhiều người dân địa phương kéo tới trước trụ sở chính quyền thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Trong suốt 4 ngày, họ chiếm giữ một con phố và trung tâm mua sắm, hô vang khẩu hiệu đòi các quan chức trả lời về việc một đồng đội của họ bị đám côn đồ được cho là do chính quyền thuê đánh đập sau khi ông này khiếu nại đòi quyền lợi.
"Hàng ngày các cựu binh nghe những lời tuyên truyền rằng Trung Quốc giờ đây là một quốc gia giàu có, hùng mạnh và tôn trọng quân đội, nhưng chính họ lại đang phải chiến đấu vì cuộc sống mưu sinh, điều đó khiến họ tức giận", Neil Diamant, giáo sư tại Đại học Dickinson và là một chuyên gia về cựu binh Trung Quốc, chia sẻ.
Cảnh sát Trấn Giang hôm chủ nhật đã huy động lực lượng giải tán các cựu binh tụ tập trên con phố. Nhưng cảnh tượng cảnh sát vũ trang và xe thiết giáp xếp hàng trên các con phố ở Trấn Giang đã khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa chính quyền và các cựu binh bất mãn.
"Việc cảnh sát dùng vũ lực để giải tán cuộc tụ tập của các cựu binh là bất hợp pháp", Li Xiao, một cựu lính pháo binh 63 tuổi, người đã lái xe hơn 200 km đến Trấn Giang để ủng hộ các đồng đội, tuyên bố. "Lịch sử sẽ phán xét".
Cựu binh tụ tập tại một công viên ở Trấn Giang hôm 22/6. Ảnh: AFP.
|
Các cựu binh Trung Quốc đã khiếu nại suốt nhiều thập kỷ để đòi được hưởng trợ cấp, chăm sóc y tế và việc làm tốt hơn sau khi xuất ngũ, nhưng việc thiếu khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi và chính sách trao quyền cho địa phương giải quyết vấn đề cựu binh của Bắc Kinh đã khiến nhiều người trong số họ sống lay lắt dưới đáy xã hội suốt thời gian dài, theo SCMP.
Thực tế này đã khiến ông Tập cam kết sẽ "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân và gia đình, biến binh nghiệp thành một nghề đáng tự hào" khi phát biểu tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm ngoái. Lời hứa này được coi là một phần trong mục tiêu tham vọng của ông Tập là hoàn tất hiện đại hóa PLA vào năm 2035 và biến nó thành đội quân đẳng cấp thế giới vào năm 2050.
Với những cựu binh như Sun Xingan, 61 tuổi, khoảng cách từ lời hứa đến hành động vốn dĩ rất xa. "Chúng tôi đã quá nhiều lần thất vọng với chính phủ. Kinh nghiệm cho thấy chúng tôi nên chờ đợi xem cam kết đó có được biến thành chính sách thực tế hay không".
Sun bắt đầu đi khiếu kiện từ năm 2000, sau khi doanh nghiệp nhà nước nơi ông làm việc ở Thanh Đảo bị đóng cửa, khiến ông phải sống dựa vào khoản trợ cấp cơ bản 1.700 tệ (255 USD) mỗi tháng.
Đồng đội của ông là Cai Wenxue, một cựu sĩ quan không quân, cho biết ông bắt đầu đi làm cho một doanh nghiệp nhà nước ở Yên Đài, Sơn Đông sau khi xuất ngũ năm 1994. Nhưng chỉ vài năm sau, ông bị sa thải vì sức khỏe yếu và bị mất hết trợ cấp. Cựu binh 65 tuổi này giờ đây phải sống nhờ vào tiền chu cấp của vợ và làm những việc lặt vặt để đắp đổi qua ngày.
Đến tháng 3, ông Tập yêu cầu thành lập Bộ Các vấn đề Cựu binh để giải quyết những bức xúc từ lâu, nhưng các quân nhân xuất ngũ trong những tháng gần đây dần trở nên giận dữ khi chứng kiến không có gì thay đổi về căn bản. Điều khiến họ bức xúc hơn là trung ương đã ra lệnh cho chính quyền các tỉnh, thành phố tăng hỗ trợ cho cựu binh, nhưng không phân bổ thêm ngân sách, Diamant cho biết.
"Chúng tôi mừng khi Bộ Các vấn đề Cựu binh được thành lập, đó là ước nguyện cả đời của chúng tôi", Li nói. "Nhưng vì sự lười nhác, bất tài, họ đã không đưa ra bất cứ điều luật hay chính sách cụ thể nào cho chúng tôi".
Hai cựu binh giấu tên tham gia cuộc biểu tình ở Trấn Giang cho biết họ phải giải tán sau khi cảnh sát tiến vào con phố lúc rạng sáng, bắt giữ nhiều người và nhốt họ vào các lớp học gần đó, cho đến khi nhà chức trách các phường nơi họ có hộ khẩu đến tiếp nhận. Đến ngày 26/6, tình hình trên các con phố ở trung tâm Trấn Giang đã trở lại bình thường.
Thách thức ngày càng lớn
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng các sự kiện tương tự không lặp lại. Cựu binh trên khắp Trung Quốc đã tụ tập ít nhất hai lần trong vài tháng qua, sau khi được tin đồng đội của họ bị côn đồ hành hung khi đi khiếu kiện.
Thách thức này nhiều khả năng sẽ lớn hơn sau khi ông Tập tuyên bố sẽ giảm quy mô quân đội và sa thải cùng lúc 300.000 quân nhân nhằm hướng tới xây dựng lực lượng quân sự tinh gọn hơn để phát huy sức mạnh ra toàn cầu.
Hàng nghìn cựu binh tụ tập trước trụ sở Quân ủy Trung ương ở Bắc Kinh tháng 10/2016. Ảnh: AP.
|
Yue Gang, một đại tá nghỉ hưu và hiện là bình luận viên quân sự, cho biết nhiều cựu binh có bản năng cố hữu là tập hợp rất chóng vánh khi cảm thấy đồng đội của mình bị ngược đãi. "Khi xuất ngũ, họ có rất nhiều hoài bão, nhưng nhanh chóng bị cuộc đời dội gáo nước lạnh vào đầu", Yue nói.
Những cựu binh mang trong mình cảm giác "bị phản bội" này có thể trở nên kích động nếu cảnh sát và chính quyền áp dụng biện pháp mạnh tay để giải tán các cuộc tụ tập của họ. "Họ đều rất yêu nước, trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc và ngưỡng mộ ông Tập, nhưng mang lòng bất mãn sâu sắc với các quan chức địa phương tham nhũng", Yue cho biết.
Hình ảnh những người cựu binh kéo xuống đường hô khẩu hiệu phản đối này trái ngược với lời cam kết của ông Tập rằng đất nước Trung Quốc thịnh vượng sẽ đem lại điều tốt đẹp cho tất cả mọi người.
"Ngày nay, chúng ta đang tiến tới mục tiêu hồi sinh đất nước Trung Quốc gần hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử và chúng ta cần phải xây dựng quân đội mạnh hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử", ông Tập tuyên bố hồi tháng 8/2017.
Nhưng để xây dựng một quân đội hùng mạnh theo kiểu phương Tây, việc tái cấu trúc lực lượng vũ trang là chưa đủ, Trung Quốc còn phải chăm lo cho những nhu cầu chính đáng của hàng triệu cựu binh.
"Thách thức mà PLA đang đối mặt không chỉ là trợ cấp hay chăm sóc y tế. Hầu hết binh sĩ Trung Quốc sống trong nhà công vụ suốt thời gian tại ngũ, họ cần một ngôi nhà như vậy sau khi xuất ngũ", Richard Bitzinger, chuyên gia quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói.
Với những cựu binh như Li, người 20 năm trước vẫn tin rằng chính phủ sẽ chăm sóc cho ông đến tận cuối đời, đất nước Trung Quốc hiện đại có thể trở thành nơi ông cảm thấy cô đơn nhất. "Tôi từng cho rằng khi quốc gia trở nên hùng mạnh và thịnh vượng, người dân sẽ sống và làm việc trong yên bình", ông nói. "Nhưng đó không phải là sự thật".